Không ít người lo lắng phẫu thuật kéo dài chân sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí làm giảm tuổi thọ. Thực hư vấn đề này như thế nào?
Các bác sĩ tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) thông báo đã kéo dài chân thành công cho nhiều trường hợp tới 7 cm, đặc biệt có ca đã kéo dài kỷ lục đến 10 cm.
Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thường xuyên tiếp nhận các trường hợp tới khám với nhu cầu cải thiện chiều cao. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng được chỉ định thực hiện.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Lượng, Khoa Chấn thương chỉnh hình tổng hợp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết: “Phương pháp kéo dài chân nâng chiều cao chỉ định cho những trường hợp người khỏe mạnh, có tầm vóc thấp hoặc trung bình. Những trường hợp có bệnh lý mạn tính, bệnh lý xương khớp, biến dạng cổ chân, khớp gối thì không được chỉ định” –
Các bác sĩ cho biết, thông thường sau 6 tháng từ lúc bắt đầu mổ, bệnh nhân có thể đi lại được. Tuy nhiên, để hồi phục hoàn toàn thì mất từ 10-12 tháng. Sau khi thực hiện phẫu thuật, hầu hết bệnh nhân ít xảy ra biến chứng.
“Theo tôi được biết, chưa có nghiên cứu nào cho thấy kéo dài chân ảnh hưởng đến tuổi thọ. Có thể gặp một số biến chứng như viêm chân đinh, co rút gân cơ tuy nhiên biến chứng đó hoàn toàn khắc phục được” – Tiến sĩ Nguyễn Văn Lượng cho biết thêm.
Theo khuyến cáo của bác sĩ, kéo dài chân là phương pháp phẫu thuật an toàn nhưng phải được thực hiện ở những cơ sở chuyên khoa uy tín để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra.
Chỉ định kéo dài chân thường dành cho những người có tầm vóc thấp (nữ dưới 1m50, nam dưới 1m60) hoặc người mắc các dị tật, thương tật.
Kỹ thuật này không áp dụng cho trường hợp chân cao, chân thấp chênh lệch không quá 3 cm.
Từ 20-30 tuổi là độ tuổi thích hợp để thực hiện kéo dài chân. Sau 35 tuổi, xương bắt đầu lão hóa nên không thuận lợi để phẫu thuật kéo dài chân.